Ldl cholesterol hay LDL-C thường được biết tới như một loại cholesterol xấu, không tốt cho sức khỏe của chúng ta và nên duy trì mức cholesterol này ở mức thấp. Tuy nhiên nếu chỉ số này quá thấp thì liệu có sao hay không? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết đưới đây!
Mục lục
LDL-Cholesterol (LDL-C) có vai trò gì với sức khỏe?
Cholesterol là một chất béo có trong máu của bạn. Nó được chia thành 2 loại chính, gồm:
- Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL-Cholesterol). Loại cholesterol này thường được biết tới như là một cholesterol xấu. Bởi nếu có chỉ số quá cao, nó có thể tạo thành mảng bám trong động mạch và gây ra các vấn đề liên quan đến tim mạch.
- Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL-Cholesterol). Thường được gọi là cholesterol tốt bởi nó giúp loại loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi máu.
Với LDL-Cholesterol nói riêng, mặc dù bị mang danh là “xấu” nhưng thực tế nó vẫn có những lợi ích nhất định với sức khỏe nếu có nồng độ ở mức tiêu chuẩn. Cụ thể:
- LDL-C là thành phần quan trọng của nhiều hormone và giúp hỗ trợ sản xuất một số loại hormone.
- Nó cấu thành nên màng của tất cả các tế bào trong cơ thể và cho phép tế bào giao tiếp với nhau.
- LDL-C chịu trách nhiệm vận chuyển cholesterol đến các tế bào cần nó.
☛ Đọc thêm: LDL Cholesterol là gì?
Khi nói tới các vấn đề về cholesterol, chúng ta thường quan tâm đến cholesterol cao, bởi đây là vấn đề thường gặp. Tuy nhiên, LDL-Cholesterol thấp cũng là một tình trạng có thể xảy ra. Chúng ta cùng tìm hiểu kĩ hơn vấn đề này ở các phần tiếp theo.

Thế nào là LDL-Cholesterol thấp?
Theo khuyến cáo, mức LDL-C của người trưởng thành khỏe mạnh nên ở mức <100 miligam trên mỗi decilit máu (mg/dL) hay < 3,9 mmol/l, ở mức 100 – 129 mg/dL vẫn được coi là bình thường. Với những người bị bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ bị tim mạch cao, giá trị này nên dưới 100 mg/dL.
Hiện nay, chưa có tài sự đồng thuận về cách xác định về mức độ LDL-Cholesterol thấp, nhưng theo Mayoclinic, LDL-Cholesterol sẽ được coi là thấp nếu nó dưới 40 mg/dL. Còn theo NCBI, mức LDL-C dưới 50 mg/dL được coi là thấp và mức dưới 20 mg/dL được coi là cực kỳ thấp.
Tuy nhiên, bác sĩ vẫn sẽ đánh giá tình hình cụ thể của từng cá nhân dựa vào kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng mà họ đang gặp phải.
LDL-Cholesterol thấp có sao không?
Theo các nhà nghiên cứu khoa học và các bác sĩ, mức LDL-Cholesterol thấp có thể gây ra một số vấn đề sau:
Ảnh hưởng tới tâm thần
Đại học Duke (trường đại học về nghiên cứu ở Durham, Bắc Carolina, Mỹ) đã có một nghiên cứu vào năm 1999 ở những người phụ nữ khỏe mạnh có lượng cholesterol thấp. Theo nghiên cứu này, những phụ nữ có mức cholesterol thấp có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm và lo lắng hơn những người có chỉ số LDL-C ở mức bình thường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều này xảy ra là do khi cholesterol ở mức thấp, nó sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản sinh các hormone và vitamin D. Như chúng ta đều biết, vitamin D rất cần thiết cho quá trình phát triển của tế bào não. Nếu tế bào não không khỏe mạnh, bạn sẽ có nguy cơ cao bị lo lắng, trầm cảm.
Vào năm ngày 16 tháng 11 năm 1999, một nghiên cứu từ Phần Lan cũng cho thấy: Đàn ông có mức cholesterol thấp dễ bị trầm cảm, phải nhập viện tâm thần và tăng nguy cơ tự tử.
Một nghiên cứu khác thì cho thấy, những bệnh nhân bị trầm cảm có mức LDL-Cholesterol thấp hơn đáng kể so với những người không bị trầm cảm. Những người có mức cholesterol càng thấp, càng có nguy cơ tự tử cao và nhiều khả năng phải nhập viện.

Nguy cơ mắc ung thư
Một nghiên cứu năm 2012 được trình bày tại Buổi học khoa học của trường đại học tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology Scientific Sessions) đã tìm thấy mối quan hệ có thể có giữa LDL-Cholesterol thấp và nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã xem 201 bệnh nhân ung thư và 402 bệnh nhân không bị ung thư. Họ phát hiện ra rằng những bệnh nhân bị ung thư và chưa bao giờ dùng thuốc làm giảm cholesterol có mức LDL-Cholesterol thấp trong khoảng 19 năm trước khi được chẩn đoán ung thư.
Lý giải cho mối quan hệ này, người ta cho rằng LDL-Cholesterol thấp có liên quan đến sự rối loạn điều hòa của một protein được gọi là yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-a), sự rối loạn TNF-a có liên quan đến ung thư, trầm cảm nặng và bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa LDL-Cholesterol thấp và ung thư rất phức tạp và còn nhiều cơ chế tiềm ẩn khác, vì vậy nguy cơ ung thư do LDL-Cholesterol thấp vẫn đang được nghiên cứu thêm.

Đột quỵ xuất huyết não
Nồng độ LDL-Cholesterol thấp cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não cao hơn.
Đột quỵ xuất huyết não ít phổ biến hơn đột quỵ do thiếu máu, tình trạng này xảy ra khi một mạch máu não đột ngột bị vỡ ra, làm máu chảy vào trong nhu mô não, gây tổn thương não và làm chết các tế bào não. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, chúng cũng khó điều trị hơn và dễ gây tử vong hơn so với đột quỵ do thiếu máu.
Những phụ nữ có mức LDL-Cholesterol thấp (<70 mg/dL) có nguy cơ bị đột quỵ xuất huyết não cao hơn gấp đôi so với những phụ nữ có mức LDL-Cholesterol từ 100 đến 130 mg/dL. (Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology trực tuyến ngày 10 tháng 4 năm 2019, tạp chí y khoa của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ.)
Một nghiên cứu khác được thực hiện với 27.937 phụ nữ từ 45 tuổi trở lên. Trong quá trình tham gia nghiên cứu, họ được đo chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-C và HDLC-C, sau đó lưu hồ sơ y tế. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiến hành theo dõi trong vòng 19 năm. Sau khi điều chỉnh các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ xuất thuyết não, chẳng hạn như tuổi tác, tình trạng hút thuốc, huyết áp cao và đang điều trị bằng thuốc giảm cholesterol,… các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có LDL-Cholesterol thấp có nguy cơ bị đột quỵ xuất huyết não cao gấp 2,2 lần so với những phụ nữ có mức LDL-Cholesterol từ 100 đến 130 mg/dL.

Gây sinh non hoặc sinh nhẹ cân
Một mối quan tâm khác về LDL-Cholesterol thấp đó là sự ảnh hưởng của nó tới phụ nữ mang thai.
Nếu bạn đang mang thai và có chỉ số LDL-Cholesterol thấp, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân cao hơn những người phụ nữ khác. Nguyên nhân được cho rằng, LDL-Cholesterol thấp trong thai kỳ có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến sinh non.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Bộ gen Người Quốc gia của NIH (NHGRI) và Trung tâm Lâm sàng NIH đã phát hiện ra rằng: Gần 13% phụ nữ có lượng LDL-Cholesterol thấp sinh non.
LDL-Cholesterol thấp cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh, bất kể chủng tộc. Khi trẻ sinh đủ tháng, những bà mẹ có lượng LDL-Cholesterol thấp sinh ra trẻ sơ sinh có trọng lượng trung bình nhẹ hơn 142g so với trẻ sinh ra từ những phụ nữ có lượng LDL-C bình thường.

Tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm
Có nhiều quan sát lâm sàng phát hiện ra rằng, LDL-Cholesterol thấp có liên quan gián tiếp đến các bệnh truyền nhiễm, như tăng nguy cơ mắc cúm nặng, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng da.
Lý giải cho điều này, cholesterol trong tế bào giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng còn LDL-C liên kết và khử hoạt độc tố của vi khuẩn. Vì thế, khi bạn có lượng LDL-Cholesterol thấp, cơ thể sẽ khó chống lại các nhiễm trùng bên ngoài.
Một số ảnh hưởng khác
Ngoài các ảnh hưởng trên, khi LDL-Cholesterol ở mức thấp và kéo dài, nó còn gây nhiều tác động tiêu cực khác tới sức khỏe, chẳng hạn:
- Chứng mất trí nhớ và suy giảm trí nhớ;
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết;
- Nguy cơ tử vong cao hơn do nhiễm trùng đường tiêu hóa và đường hô hấp;
- Hành vi bạo lực và hiếu chiến gia tăng;
- Tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson
- .v.v.
Nguyên nhân LDL-Cholesterol thấp
LDL-Cholesterol thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chúng được chia thành nguyên nhân di truyền và nguyên nhân mắc phải.
➤ Nguyên nhân di truyền. Do các bệnh lý như:
- Chứng thiếu betalipoprotein huyết (Abetalipoproteinemia)
- Giảm lipid máu di truyền
- Hội chứng Andersen–Tawil
- .v.v.
➤ Nguyên nhân mắc phải. Gồm các yếu tố như:
- Sử dụng một số loại thuốc
- Suy giáp hoặc cường giáp
- Suy dinh dưỡng
- Hấp thu kém
- Nhiễm trùng mãn tính (bệnh lao, bệnh sán máng,…)
- Chế độ ăn uống ít chất béo
- .v.v.

Làm sao để biết bị LDL-Cholesterol thấp?
Cách duy nhất để chẩn đoán chính xác mức LDL-Cholesterol của bạn đó là thông qua xét nghiệm lipid máu hay còn gọi là xét nghiệm mỡ máu.
Để thực hiện xét nghiệm này, bạn sẽ được bác sĩ lấy máu từ tĩnh mạch trên cánh tay. Sau khi kim được đâm vào, một lượng máu nhỏ sẽ được thu thập vào ống nghiệm hoặc lọ để đưa tới phòng xét nghiệm. Thông thường, xét nghiệm sẽ có kết quả ngay trong ngày và bạn sẽ được bác sĩ tư vấn về các chỉ số sau khi có kết quả.
Lưu ý, để các chỉ số mỡ máu được chính xác, bạn nên làm xét nghiệm vào buổi sáng và nên nhịn ăn trong vòng 9-12 giờ trước khi lấy máu.
☛ Đọc thêm: Công thức tính LDL-Cholesterol chuẩn nhất!
Nên làm gì nếu có chỉ số LDL-Cholesterol thấp?
Sau khi làm kết quả xét nghiệm máu và được chẩn đoán có mức LDL-Cholesterol thấp, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn việc thăm khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Khi không tìm thấy nguyên nhân mắc phải, bác sĩ có thể đề nghị đo LDL-C người thân của bạn, bởi di truyền là nguyên nhân phổ biến của LDL-Cholesterol thấp.
Sau khi xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn về phương pháp điều trị. Bạn nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và tiến hành điều trị nếu cần thiết.
Kết luận
LDL-Cholesterol là một trong hai loại cholesterol chính của cơ thể. Thông thường, chúng ta nên giữ cho mức LDL-C ở mức dưới 100 mg/dL. Tuy nhiên, nếu chỉ số này ở mức quá thấp, nó có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, như: ảnh hưởng tới tâm thần, làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não, tăng nguy cơ sinh non hoặc sinh trẻ nhẹ cân, tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư,…
Chính vì thế, nếu phát hiện mình có chỉ số LDL-Cholesterol thấp sau khi làm xét nghiệm lipid máu, bạn nên nghe tư vấn của bác sĩ và tiến hành điều trị nếu cần thiết.
Mọi vấn đề còn thắc mắc về các tình trạng rối loạn mỡ máu, bạn có thể gọi tới tổng đài miễn cước 18001591.