Trong thời kỳ mang thai, người mẹ thường bổ sung quá nhiều dinh dưỡng vô tình dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ thừa, đặc biệt là Triglyceride. Vậy tăng Triglycerid khi mang thai có nguy hiểm không? Làm thế nào để kiểm soát nồng độ chất béo một cách hiệu quả? Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây ngay nhé!
Mục lục
Chỉ số Triglycerid là gì?

Triglycerid là một chất béo trung tính chiếm tới hơn 80% lượng chất béo tiêu thụ hằng ngày, có nhiều trong mỡ động vật và dầu thực vật. Ngoài ra, cơ thể còn có khả năng chuyển hóa lượng calo dư thừa thành Triglycerid, dự trữ ở lớp mỡ dưới da và gan.
Thai phụ có thể xác định nồng độ Triglycerid qua bộ xét nghiệm mỡ máu với những thành phần quan trọng: Triglyceride, Cholesterol toàn phần, HDL-C và LDL-C. Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đưa ra các chỉ số đánh giá Triglycerid máu thông qua 4 mức độ như sau:
- Bình thường: < 150 mg/dL (1.7mmol/ L). Đây cũng là mức Triglycerid mà phụ nữ nên duy trì trong suốt thời gian mang thai để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Mức ranh giới: 150 – 199 mg/dL (1.8 – 2.2 mmol/L)
- Mức cao: 200 – 499 mg/dL (2.3 – 5.6 mmol/L)
- Mức rất cao: > 500 mg/dL (5.7 mmol/L)
☛ Tham khảo thêm tại: Định lượng triglyceride khi nào cần thực hiện?
Nguyên nhân gây tăng Triglycerid khi mang thai

Phụ nữ mang thai thường có tâm lý bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng nhưng việc vận động lại hạn chế, rất dễ dẫn tới rối loạn mỡ máu. Một vài nguyên nhân gây ra tình trạng tăng Triglycerid khi mang thai có thể kể đến như:
- Chế độ ăn không hợp lý: Tiêu thụ quá nhiều chất béo xấu như thịt đỏ, bơ, sữa và các chế phẩm từ sữa,… làm tăng Triglycerid và mỡ xấu LDL-C, đồng thời giảm mỡ tốt HDL-C. Bên cạnh đó, hiện tượng “thèm ngọt” ở phụ nữ mang thai khiến mẹ bổ sung thực phẩm chứa đường vốn nhiều “calo rỗng” gồm bánh mì, bánh quy, ngũ cốc tinh chế,…
- Hạn chế vận động: Đặc biệt là những thai phụ ở những tháng cuối, thai lớn. Tâm lý lo lắng khi mang thai là nguyên nhân dẫn tới việc hạn chế vận động ở người mẹ. Điều này sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa chất béo, hậu quả là Triglycerid dư thừa tích lũy ngày càng nhiều ở lớp mỡ dưới da.
- Một vài thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, căng thẳng kéo dài,… cũng là lý do gây ra rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo. Không chỉ vậy, chất độc từ thuốc lá và rượu bia còn khiến cho thành mạch bị tổn thương, Triglycerid không thể đến được nơi cần thiết mà đọng lại ở trong máu.
- Bệnh lý nền bao gồm béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ,… không được kiểm soát tốt là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra tăng Triglycerid ở phụ nữ mang thai.
Ảnh hưởng của Triglycerid tăng cao ở phụ nữ có thai
Chỉ số Triglycerid tăng cao sẽ cản trở quá trình vận chuyển máu và ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, với đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, tăng Triglycerid không chỉ tác động lên cơ thể người mẹ mà còn gây ra nhiều biến chứng lên thai nhi. Vậy những biến chứng mà thai phụ nên lưu ý là gì?
Đối với thai phụ

Bệnh về tim mạch: Xơ vữa động mạch là một trong những biến chứng thường gặp của tăng Triglyceride máu. Đây là hiện tượng lắng đọng chất béo dư thừa trong thành mạch, gây hẹp đường kính bình thường và cản trở quá trình lưu thông máu. Điều này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim,…
Tiểu đường thai kỳ: Mang thai là một quá trình phức tạp làm thay đổi môi trường nội tiết của người mẹ, đặc biệt là sự đề kháng với Insulin. Nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Collorado, Mỹ đã chỉ ra rằng, khả năng áp chế sự phân giải mỡ của Insulin trong những tháng cuối thai kỳ giảm rõ rệt, làm tăng mức acid béo tự do trong máu.
Tình trạng này kèm theo cơ địa tăng Triglyceride sẵn có ở thai phụ khiến cho hiện tượng đề kháng Insulin càng trở nên trầm trọng, gây ra bệnh đái tháo đường type II.
Gan nhiễm mỡ: Được xác định khi nồng độ Triglyceride chiếm tới hơn 5% trọng lượng gan. Chất béo trong cơ thể đều phải qua xử lý ở gan để vận chuyển đến các tế bào cần thiết. Tuy nhiên, lượng Triglyceride tăng quá cao nên ứ đọng lại và dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Triglyceride trong máu cao có nguy hiểm không?
Đối với thai nhi

Những hợp chất không phân cực và tan trong mỡ sẽ qua được nhau thai nhiều hơn những chất ion hóa hay ưa nước. Chính vì vậy, Triglyceride từ máu của mẹ có thể truyền cho thai nhi một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, Triglycerid còn kết hợp với Cholesterol để duy trì năng lượng cho các tế bào trong cơ thể. Trẻ sau khi sinh rất dễ bị máu nhiễm mỡ – căn bệnh có tính di truyền và tỷ lệ trẻ mắc phải là rất lớn.
Cần làm gì để thai phụ ổn định nồng độ Triglycerid?
Cách tốt nhất để phòng ngừa tăng Triglycerid khi mang thai là thực hiện thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, đối với mẹ bầu muốn ổn định nồng độ Triglyceride để có một thai kỳ khỏe mạnh thì nên lưu ý những vấn đề như sau:
Xây dựng chế độ ăn hợp lý

Để phòng ngừa tăng Triglycerid máu, mẹ bầu cần hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng cho mình một chế độ ăn hợp lý qua từng thời kỳ. Phụ nữ mang thai cần khoảng 2200Kcal/ ngày. Ở 3 tháng cuối, sẽ phải tăng thêm khoảng 350Kcal/ ngày, tương đương với 1 chén cơm đầy. Bên cạnh đó, một số vấn đề mà thai phụ cần quan tâm bao gồm:
Cần duy trì thói quen
- Phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm 15g chất đạm/ ngày so với bình thường. Nên kết hợp phong phú đạm thực vật và động vật trong thịt nạc, cá, tôm, đậu nành, đậu xanh,…
- Hạn chế muối, ăn nhạt để kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường thai kỳ, suy thận,…
- Tăng cường Omega – 3, một acid béo có lợi cho quá trình điều hòa mỡ máu được tìm thấy nhiều trong cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi,… và các loại hạt như hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia,…
- Bổ sung rau củ quả giàu chất xơ và vitamin có trong yến mạch, gạo lứt, cải bắp, ớt chuông, táo, lê, mận,… giúp giảm sự hấp thu chất béo xấu tại niêm mạc ruột.
- Vào những tháng cuối thai kỳ, người mẹ cần sử dụng nhiều khoáng chất (sắt, kẽm, acid folic, vitamin A,…) cho sự phát triển của thai nhi, được tìm thấy trong thủy hải sản, rau ngót, rau dền,…
Thực phẩm nên tránh
- Những thực phẩm chứa nhiều chất béo có hại như đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh, thịt đỏ, phủ tạng động vật,… có thể khiến cho tình trạng tăng Triglycerid khi mang thai càng thêm trầm trọng.
- Nhóm thực phẩm nhiều đường tinh chế gồm bánh quy, bánh mì, ngũ cốc tinh chế,… có khả năng ức chế Insulin, làm cho quá trình phân giải chất béo bị trì trệ.
- Một số đồ uống có cồn, nước ngọt, thuốc lá,… cũng nên tránh sử dụng tuyệt đối để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
☛ Chi tiết hơn trong bài: Triglyceride cao nên ăn gì, kiêng gì để giảm?
Vận động nhẹ nhàng

Vận động nhẹ nhàng và hợp lý trong quá trình mang thai không chỉ giúp mẹ bầu duy trì được cân nặng ổn định trước – sau sinh mà còn cải thiện hệ tuần hoàn, vận chuyển Triglycerid một cách hiệu quả. Hơn thế nữa, chất Endorphin được tiết ra khi vận động còn có thể truyền qua rau thai, giúp mẹ và bé thư giãn, giảm thiểu căng thẳng và lo lắng khi mang bầu.
Thai phụ có thể lựa chọn những phương pháp vận động nhẹ nhàng, đơn giản như đi bộ, yoga theo sở thích của bản thân. Hãy bắt đầu với những bài tập chậm rãi trong khoảng 20 phút và lựa chọn không gian thoải mái, trong lành để được thư giãn tối đa.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé, thai phụ cần hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa để xin ý kiến về một lộ trình tập luyện phù hợp. Đặc biệt, không nên tham gia vào những môn thể thao mạo hiểm và tiêu tốn quá nhiều sức lực. Nhớ vận động nhẹ nhàng và nghỉ ngơi ngay khi thấy mệt bạn nhé!
Thăm khám định kỳ

Theo quy định của Bộ Y Tế Việt Nam, mỗi thai phụ cần được khám thai ít nhất 3 lần trong mỗi thai kỳ. Tuy nhiên, đối với mẹ bầu tăng Triglycerid máu cần thăm khám định kỳ với tần suất lớn hơn, mỗi tháng 1 lần để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm trước và sau sinh. Với những trường hợp bệnh lý phức tạp, bác sĩ sẽ chủ động theo dõi và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế sử dụng thuốc cho người mẹ.
Lời kết
Trên đây là những thông tin hữu ích về tình trạng tăng Triglycerid khi mang thai, cũng như những phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả ngay tại nhà. Chắc chắn rằng, bài viết này sẽ phần nào làm dịu lo lắng của mẹ bầu, ngăn ngừa tối đa những biến chứng của bệnh mỡ máu để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn thành công nhất!
Tham khảo thêm tại:
https://medlatec.vn/tin-tuc/can-lam-gi-de-han-che-mau-nhiem-mo-khi-mang-thai-hieu-qua-s74-n19328
https://www.lipid.org/sites/default/files/high_triglycerides_in_pregnancy.pdf